Liệu có nên chọn ngành công nghệ hoá học?

Việt Nam cũng chưa sản xuất được nhiều hóa chất cơ bản, hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, môi trường hội nhập, giao lưu quốc tế mạnh mẽ hiện nay đang mở cho ngành Công nghệ hóa học nhiều cơ hội lớn.


Những lý do để bạn chọn ngành công nghệ hoá học

1
Cơ hội việc làm phong phú

Hóa học là sự biến hóa vô cùng. Người ta thừa nhận với nhau rằng nó chỉ có điểm đầu, đó là thời khắc con người tìm ra lửa. Còn chắc chắn rằng nó không có điểm cuối một khi chúng ta còn có nền văn minh nhân loại.

Hãy thử tường tượng nếu bạn có phép màu và bạn muốn mọi thứ liên quan tới Công nghệ hóa học biến mất. Sẽ chẳng còn gì quanh bạn nữa cả, một thế giới trống trơn. Ngày nay, những thành tựu của Công nghệ hóa học thật lớn lao và những ứng dụng của Công nghệ hóa học đã trở nên quá quen thuộc.

Hầu như mọi ngành sản xuất đều cần đến sự tham gia của Công nghệ hóa học. Điều này cũng có nghĩa là bước chân vào ngành Công nghệ hóa học, cơ hội làm việc của bạn rất phong phú, dù bạn muốn trở thành nhà nghiên cứu, nhà kỹ thuật, kỹ sư, chuyên gia tư vấn quản lý và chuyển giao công nghệ, nhà giáo hay nhà quản lý tài ba v.v…

Nhà nước ta hiện rất chú trọng đầu tư vào Công nghệ hóa học bởi đây chính là công nghệ của tương lai, bên cạnh những ngành như Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin v.v…

Hiện nay, nước ta vẫn phải nhập khẩu nhiều dây chuyền Công nghệ hóa học của nước ngoài. Bởi vậy, xây dựng đội ngũ nhân lực mạnh, sáng tạo và thiết kế ra các dây chuyền công nghệ trong nước, phù hợp với những đặc điểm của Việt Nam là hướng đi hết sức quan trọng.

Những chuyên gia công nghệ hóa học Việt Nam đang làm việc và nghiêncứu miệt mài để hiện thực hóa mục tiêu này. Có những dây chuyền hoàn toàn mang nhãn hiệu Việt Nam, dựa trên những sáng chế của người Việt Nam đang chạy tốt trong các nhà máy, xí nghiệp.

Sao bạn lại không đóng góp vào sự nghiệp chung ấy nhỉ, bạn trẻ say mê hóa học và luôn muốn đem lại những điều có ích cho cuộc sống?

Công nghệ hóa học là một ngành học khó. Chỉ với sự nỗ lực tối đa, bạn mới có hy vọng thành công. Nhưng bạn luôn có những người thầy tuyệt vời bên cạnh. Và cả sự hỗ trợ không thể đo đếm hết của “người khổng lồ” dưới chân bạn nữa.

Vậy “người khổng lồ” ấy là ai?

2
Đứng trên vai “người khổng lồ”

Những thành tựu của Công nghệ hóa học lớn đến nỗi ta không thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ ra sao nếu như không có ngành này. Tức là, bước chân vào ngành Công nghệ hóa học, bạn đã ở một vị thế rất cao của khoa học công nghệ. Nói theo cách của một danh nhân, bạn đã được đứng trên vai một người khổng lồ để thực hiện ước mơ phát triển trí tuệ của mình.

Vị thế ấy tạo cho bạn rất nhiều điều kiện thuận lợi. Bạn không gặp phải những khó khăn của người khai sơn phá thạch trong một ngành khoa học công nghệ còn non trẻ với bao bất cập về mặt lý thuyết và thực tiễn. Bạn có thể dựa trên nền tảng vững chắc và hùng hậu của vô vàn thành tựu đã đạt được về cả lý thuyết và ứng dụng ngành hóa học làm cơ sở cho sáng tạo của mình.

3
Luôn được tìm tòi, khám phá

Bạn muốn chọn đối tượng để nghiên cứu, sản xuất, phát triển hay tìm ra những phát minh, sáng chế? Trong thế giới rộng lớn của Công nghệ hóa học, việc đó thật dễ dàng. Chúng ta hãy thử tìm một vài ví dụ nhé!

Trước tiên, ta lấy ví dụ “nhỏ như con muỗi”. Bạn hãy nghiên cứu để phân lập ra chất hóa học mà các loài muỗi khác nhau sử dụng để chống đông máu khi chúng hút máu những động vật khác, và cả con người nữa.

Trên cơ sở ấy, bạn tiếp tục nghiên cứu để tổng hợp ra chất hóa học đó, dùng vào việc phá những cục máu đông làm tắc mạch máu, hay những vùng máu đông trong não sau những tai nạn, đột quị v.v …

Vậy là bạn đã trở thành cứu tinh cho bao nạn nhân của những ca bệnh thập tử nhất sinh rồi. Bạn có thể giúp giữ lại mạng sống của biết bao con người.

Bây giờ ta lấy thí dụ “to như Trái Đất” nhé. Bạn hãy lấy một mẩu đất. Trong mẩu đất này có những chất gì, cả đa lượng và vi lượng, mà tại sao cùng một giống bưởi trồng ở Đoan Hùng thì ngon thế mà đem trồng ở chỗ khác thì chua loét? Yếu tố nào làm nên những đặc sản mà chúng ta vẫn thường tự hào như vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên, cá rô Đầm Sét v.v…?

Chắc chắn nếu bạn phân tích được tất cả các chất có trong đất, trong nước ở những địa danh đó, ta có thể có hoa thơm quả ngọt ở khắp nơi, tôm cá ngon ở mọi đầm, hồ.

Còn nhiều, nhiều lắm những thứ đang cần đến bàn tay và khối óc của chúng ta. Vừa rồi ta mới chỉ lấy một số thí dụ thực tiễn, còn bao nghiên cứu cao siêu hơntrong lĩnh vực hóa học nano, hóa học trong những điều kiện tới hạn, hóa học ở nhiệt độ cao, trong dung dịch đậm đặc, dung dịch muối nóng chảy, trong vũ trụ và trên các vì sao xa tít tắp…

Những thách thức bạn sẽ phải đối mặt

Bước vào ngành Công nghệ hóa học tức là chúng ta đã có đầy đủ điều kiện khách quan để thực hiện những hoài bão của mình. Nhưng Công nghệ hóa học là một ngành khó. Một vấn đề dù rất nhỏ cũng đòi hỏi chúng ta phải có tình yêu với hóa học, lòng kiên nhẫn và nỗ lực lớn lao để vượt qua. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số thách thức bạn sẽ gặp phải.

1
Thường xuyên tiếp xúc với hoá chất độc hại

Trong ngành Công nghệ hóa học nói riêng và hóa học nói chung, bạn sẽ thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, trong đó có không ít những chất độc hại hay có mùi rất khó chịu. Bạn không thể lựa chọn rằng tôi chỉ làm việc với những chất không độc hay không có mùi hôi. Bởi vậy, chấp nhận làm việc trong lĩnh vực Công nghệ hóa học, bạn phải vượt qua được nỗi sợ hãi trong chính mình.

Bạn hẳn đã biết câu chuyện về nhà bác học Marie Curie, người được trao giải Nobel Hóa học năm 1911 với công trình tìm ra chất Rađi. Những năm tháng dài miệt mài trong phòng thí nghiệm với chất phóng xạ khiến đôi tay đẹp của Marie Curie bị thương tổn nặng nề, nhiều chỗ bị tia phóng xạ ăn loang lổ. Bà mất ở tuổi 67 bởi căn bệnh máu trắng do chính ảnh hưởng của tia phóng xạ từ chất Rađi mà bà tìm ra.

2
Thử thách cho lòng kiên trì

Bước chân vào ngành Công nghệ hóa học nghĩa là bạn chấp nhận cuộc thử thách về tính kiên trì, sự bền bỉ. Những thí nghiệm lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Những bản thiết kế máy móc thiết bị phải sửa chữa rất nhiều lần. Thế giới của các nguyên tố hóa học hay các chất rất phức tạp, không dễ gì khám phá và làm chủ được. Mỗi khám phá của bạn là một sự mày mò mới trên cơ sở những tri thức mà bạn có cùng với sự phán đoán.

3
Ngành Công nghệ hóa học tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển

Điều đó có nghĩa là chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Để đánh giá trình độ về Công nghệ hóa học của một quốc gia, người ta thường dựa vào hai yếu tố:

* Nước đó có sản xuất được axit nitric không? Bởi axit nitric là khởi nguồn của ngành công nghiệp quốc phòng, là chất có trong mọi loại thuốc nổ. Hiện nay chúng ta vẫn chưa sản xuất được loại axit này.

* Sự cân bằng về sử dụng giữa clo và xút trong công nghệ sản xuất xút clo (bạn còn nhớ phương trình đơn giản bạn đã được học: khi điện phân muối ăn, ta có xút và clo chứ?). Hiện nay chúng ta chủ yếu dùng xút làm giấy và bỏ phí một lượng lớn clo. Lượng clo này có thể được sử dụng khi nước ta phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu.

Việt Nam cũng chưa sản xuất được nhiều hóa chất cơ bản, hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, môi trường hội nhập, giao lưu quốc tế mạnh mẽ hiện nay đang mở cho ngành Công nghệ hóa học nhiều cơ hội lớn.

Trên thế giới đã sẵn có các công nghệ, máy móc, thiết bị. Vấn đề của chúng ta là theo kịp và vận dụng những công nghệ mới ấy ở Việt Nam. Còn rất nhiều công việc phải làm để tiến tới một ngành Công nghệ hóa học phát triển thực sự nhanh và mạnh, ngang tầm khu vực và thế giới.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *